Theo đuổi môi trường kinh doanh bền vững và phát triển xã hội là mục tiêu của hầu hết các Doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi bắt đầu tìm hiểu về phát triển bền vững, doanh nghiệp thường gặp khó khăn bởi có nhiều từ ngữ chuyên ngành, quy định và tiêu chuẩn được đặt ra bởi các tổ chức và quốc gia khác nhau. Những chia sẻ dưới đây sẽ giúp Doanh nghiệp hiểu kỹ càng về tiêu chuẩn ESG và vận dụng trong xây dựng & phát triển môi trường kinh doanh bền vững.
Tiêu chuẩn ESG là gì?
ESG được viết tắt bởi 3 chữ cái đầu tiên của: Environment – môi trường, Social – xã hội, Governance – quản trị doanh nghiệp. Đây là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp. ESG giúp tổ chức xác định các rủi ro và cơ hội, cũng như mức độ ảnh hưởng khi áp dụng chúng vào vận hành. Điểm số ESG được đánh giá dựa trên những tác động của doanh nghiệp đến môi trường, xã hội và hiệu suất quản trị của công ty khi quản lý các ảnh hưởng đó. Điểm ESG càng cao sẽ càng chứng minh thương hiệu thực hành tốt ESG. Tiêu chuẩn ESG bao gồm đa dạng vấn đề, bắt nguồn từ luật quốc tế, luật địa phương hoặc các thỏa thuận, nguyên tắc ở mỗi quốc gia. Để thực hiện ESG, doanh nghiệp cần đáp ứng 3 trọng tâm chính cùng các tiêu chí cụ thể đi kèm.
Chi tiết 3 trụ cột ESG: Môi trường - Xã hội - Quản trị
Việc áp dụng các tiêu chuẩn ESG trong doanh nghiệp giúp đánh giá và nâng cao hiệu suất bền vững của tổ chức. Dưới đây là thông tin chi tiết về các tiêu chuẩn cho từng khía cạnh:
Môi trường (Environmental)
Đầu tiên, E – Environmental là khía cạnh đánh giá mức độ ảnh hưởng của doanh nghiệp đối với môi trường, tài nguyên thiên nhiên trong suốt quá trình sản xuất, vận hành và quản lý. Hiểu đơn giản thì tổ chức sẽ được đánh giá dựa trên các yếu tố sau:
Biến đổi khí hậu
Tiêu chí biến đổi khí hậu sẽ được đánh giá dựa trên các cam kết quốc tế và trong nước. Đồng thời, tiêu chí này cũng được đánh giá tùy theo các chính sách quốc gia và quy định địa phương. Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gây ấn tượng với cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam như sau:
- Giảm 43,5% tổng lượng phát thải quốc gia vào năm 2030 và đạt mức không phát thải carbon vào năm 2050.
- Giảm phát thải metan ít nhất 30% vào năm 2020 và 40% vào năm 2030.
Với vai trò tiên phong trong việc thiết lập các chính sách ESG, chính phủ sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam có động lực và cơ sở rõ ràng hơn. Điều này nhằm đạt được các cam kết liên quan đến mục tiêu ESG.
Thủ Tướng Phạm Minh Chính cam kết về ESG
Năng lượng
Các doanh nghiệp thực hiện ESG cần đảm bảo việc khai thác và sử dụng năng lượng một cách có hiệu quả. Bên cạnh đó, việc sử dụng các nguồn năng lượng thay thế vô hạn như: năng lượng mặt trời và gió tự nhiên cũng được khuyến khích.
Điều này giúp bảo vệ môi trường khỏi tình trạng cạn kiệt năng lượng. Đồng thời, cho phép tổ chức hoạt động liên tục mà không phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hữu hạn. Từ đó, quy trình sản xuất sẽ được cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Các doanh nghiệp được khuyến khích sử dụng năng lượng thay thế
Tài nguyên thiên nhiên
Tiêu chí tiếp theo là tài nguyên thiên nhiên bao gồm: đất, nước, cây xanh, khoáng sản và không khí. Để đạt điểm ESG cao ở tiêu chuẩn này, doanh nghiệp cần đảm bảo có đầy đủ giấy tờ được cấp phép khi sử dụng bất kỳ nguồn tài nguyên nào.
Nhiều tổ chức ghi điểm bằng cách chủ động cải tạo và khôi phục các khu vực bị ô nhiễm. Đặc biệt, một số doanh nghiệp còn nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới để tự tạo ra tài nguyên mà không gây ảnh hưởng đến môi trường.
Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên là một phần trong cam kết về ESG
Xử lý và tái chế chất thải
Để điểm ESG cao, các doanh nghiệp phải thống kê, sau đó lên danh sách chi tiết về loại và khối lượng chất thải nguy hiểm. Tiếp theo, doanh nghiệp cần tiến hành thu gom, phân loại và lưu trữ ở nơi đảm bảo không gây ô nhiễm.
Theo các chính sách hiện hành, chất thải có thể được chuyển đến các cơ sở xử lý được cấp phép. Nếu có thể, công ty nên tái chế hoặc tái sử dụng chất thải để giảm thiểu tác động lên môi trường và tối ưu hóa năng lượng.
Doanh nghiệp cần xử lý chất thải đúng quy định pháp luật
Xã hội (Social)
Khía cạnh thứ hai trong ESG là xã hội, giúp doanh nghiệp đánh giá các yếu tố liên quan như: mối quan hệ của công ty với khách hàng, đối tác và điều kiện làm việc của nhân viên quy định trong Bộ luật lao động 2019 số 45/2019/QH14.
Quyền riêng tư và bảo mật
Đây là một tiêu chí quan trọng nhưng các quy định và luật lệ về quyền riêng tư và bảo mật còn khá mới ở Việt Nam. Hiện nay, vấn đề này chủ yếu được áp dụng dựa trên Bộ luật Dân sự, Luật An ninh mạng và Luật Công nghệ thông tin.
Để thực hiện ESG, các doanh nghiệp cần có sự cho phép của chủ sở hữu trước khi thu thập, sử dụng hoặc xử lý dữ liệu của họ. Đặc biệt, doanh nghiệp không được phép tiết lộ thông tin cá nhân và phải cam kết có các biện pháp bảo vệ dữ liệu được an toàn.
Doanh nghiệp cần cam kết các quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu
Tính đa dạng, công bằng và hòa nhập
Tính đa dạng, công bằng và hòa nhập sẽ được đánh giá dựa trên Luật Lao động hiện hành. Theo đó, các tổ chức không được phân biệt đối xử với nhân viên dựa trên giới tính, màu da, chủng tộc, tôn giáo hoặc tầng lớp xã hội. Nam và nữ nhân viên cần được đối xử công bằng trong mọi khía cạnh bao gồm: công việc, cơ hội thăng tiến, lương thưởng,…
Doanh nghiệp cần đảm bảo tính công bằng giữa các nhân viên
Môi trường làm việc an toàn
Một tiêu chuẩn ESG không thể bỏ qua là môi trường làm việc. Theo đó, khu vực cần đảm bảo an toàn lao động và sức khỏe cho nhân viên. ESG nghiêm cấm mọi hình thức ép buộc lao động, ngược đãi, bóc lột và quấy rối nhân viên.
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn cũng rất nghiêm ngặt trong việc sử dụng lao động dưới 18 tuổi. ESG yêu cầu tổ chức tuân thủ đúng giờ giấc và tính chất công việc theo quy định của Luật Lao động.
Môi trường làm việc phải đảm bảo an toàn cho người lao động
Điều kiện làm việc
ESG sẽ dựa trên các quy định pháp luật Việt Nam để đánh giá điểm số cho doanh nghiệp về các tiêu chí như: mức lương, giờ làm việc, khám sức khỏe và chính sách bảo hiểm. Từ đó, doanh nghiệp có thể được điểm cao hay thấp tùy vào điều kiện làm việc.
Các doanh nghiệp cần tạo ra điều kiện làm việc tốt
Quản trị (Governance)
Cuối cùng, khía cạnh quản trị của ESG liên quan đến các hoạt động của tổ chức để đảm bảo tính hiệu quả, minh bạch, đạo đức trong kinh doanh và tuân thủ các quy định địa phương.
Công bố báo cáo ESG
Luật Việt Nam quy định các doanh nghiệp thực hiện ESG phải công bố thông tin và kết quả hoạt động hàng năm như: khai thác – tiêu thụ tài nguyên, chính sách lao động, báo cáo tài chính và đóng góp cho cộng đồng. Báo cáo này cần phải nộp cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam và Sở Giao dịch chứng khoán một cách công khai.
Các doanh nghiệp tham gia cần công bố báo cáo ESG hàng năm
Chống hối lộ và tham nhũng
Chống hối lộ và tham nhũng là yếu tố rất được quan tâm trong quản trị. Tiêu chuẩn ESG này sẽ được đánh giá theo Luật Phòng chống hối lộ và tham nhũng, cũng như luật Hình sự của Việt Nam.
Doanh nghiệp cần đảm bảo chống hối lộ và tham nhũng trong quản trị
Tính đa dạng và hòa nhập của hội đồng quản trị
ESG cuối cùng của khía cạnh quản trị là tính đa dạng và hòa nhập của hội đồng quản trị. Đây là tiêu chí đánh giá sự đa dạng về nguồn gốc của các thành viên trong hội đồng quản trị liên quan đến giới tính và lý lịch.
Theo luật pháp Việt Nam, trong một số trường hợp, yêu cầu tổ chức có hội đồng quản trị độc lập. Ví dụ như tại các công ty đại chúng chưa niêm yết, phải có ít nhất một năm kinh nghiệm cùng lĩnh vực.
Hội đồng quản trị cần có đủ năng lực trong lĩnh vực
Triển khai ESG giúp Doanh nghiệp phát triển dài hạn và bền vững hơn
Việc triển khai các tiêu chuẩn ESG mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho doanh nghiệp. Dưới đây là những lý do chính:
Tăng cường hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp
Các doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn ESG đáng tin cậy tạo ra sự tin tưởng từ phía khách hàng
- Khảo sát của Nielsen năm 2022: 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết xanh – sạch và được sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường.
- Báo cáo của PwC năm 2023: 96% người tiêu dùng được khảo sát tại Việt Nam cho biết họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho sản phẩm của các công ty có đạo đức kinh doanh.
Doanh nghiệp tạo dựng được hình ảnh để thu hút khách hàng
Tạo môi trường làm việc tốt hơn
Hiện nay, các doanh nghiệp áp dụng ESG tạo được điều kiện làm việc an toàn, chính sách đào tạo và phát triển nhân viên tốt. Đồng thời, môi trường làm việc thân thiện, thoải mái và hòa đồng. Điều này giúp tỷ lệ giữ chân nhân viên cao hơn so với các doanh nghiệp vẫn chưa áp dụng.
Quản lý rủi ro và tiết kiệm chi phí
Việc tái chế và quản lý chất thải giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận hành. Những đơn vị có tiêu chuẩn ESG cao thường tránh được những sự cố như: ô nhiễm môi trường hoặc vi phạm pháp lý. Từ đó, doanh nghiệp có thể giảm thiểu các chi phí liên quan đến khắc phục và xử lý sự cố.
Doanh nghiệp có thể tối ưu hóa chi phí trong quá trình vận hành
Thu hút đầu tư và tiếp cận nguồn vốn
Hiện nay, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến ESG khi đưa ra quyết định góp vốn. Bên cạnh đó, các tổ chức tài chính và ngân hàng thường có điều kiện vay vốn ưu đãi hơn đối với các doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn này.
Theo McKinsey, các doanh nghiệp có tiêu chuẩn ESG tốt thường có chi phí vốn thấp hơn. Do đó, họ dễ dàng hơn khi tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi.
Đáp ứng yêu cầu pháp lý và quy định
Việc tuân thủ các tiêu chuẩn ESG giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu pháp lý về môi trường, xã hội và quản trị. Từ đó, doanh nghiệp sẽ giảm thiểu nguy cơ bị phạt hoặc kiện tụng. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp hoạt động bền vững hơn mà còn xây dựng được lòng tin từ phía các cơ quan quản lý và cộng đồng.
Doanh nghiệp có thể tránh các vấn đề về pháp lý
Đóng góp vào phát triển bền vững
Giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và sử dụng tài nguyên bền vững góp phần bảo vệ hành tinh cho các thế hệ tương lai. Đồng thời, việc thực hiện các hoạt động có trách nhiệm xã hội cũng cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân viên và cộng đồng xung quanh doanh nghiệp.
Nguồn tham khảo: Thạnh Nguyễn.