Sơn là nguyên liệu được sử dụng nhiều trong ngành công nghiệp dùng để bao phủ bên ngoài sản phẩm, giúp cho bề mặt của sản phẩm bền, đẹp và bắt mắt hơn tuy nhiên lại cần sử dụng những loại hóa chất đặc biệt mà nếu không được xử lý có phương pháp và quy trình thì sẽ gây ô nhiễm cho môi trường và sức khỏe con người.
Đặc điểm của dung môi sơn

Dung môi là thành phần không thể thiếu trong sơn, dung môi là chất lỏng hoặc khí giúp cho quá trình hòa tan các chất khác trong một thể tích và nhiệt độ xác định. Ngoài ra dung môi được sử dụng để làm sạch sản phẩm trước khi sơn và làm sạch thiết bị sau khi sơn.
Đặc điểm chung của dung môi là dễ cháy, dễ bay hơi. Các nhóm dung môi thường được sử dụng trong ngành sơn bao gồm: dung môi có chứa nhân thơm (toluene, xylen...) 30%; dung môi dạng mạch thẳng 27%; dung môi gốc xeton (methyl ethyl xeton-MEK, MIBK) 17%; dung môi gốc alcohol (butyl alcohol, ethyl alcohol…) 17%; dung môi loại khác 14%.
Trong ngành sản xuất sơn và các ngành sử dụng sơn, yếu tố gây ô nhiễm môi trường đáng lo ngại nhất chính là bụi sơn và dung môi dư thừa.
Ảnh hưởng của dung môi sơn đến con người và môi trường như thế nào?
Có hai loại dung môi gây ảnh hưởng nhiều nhất đến con người và môi trường không khí là: hơi dung môi Toluen và Xylen. Khi bị nhiễm độc VOC con người sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh, tổn hại khả năng sinh sản, tổn thương đến gan, thận, suy hô hấp, ung thư và viêm da. Với khả năng lan truyền trong một khoảng cách khá lớn nên dung môi có thể ngấm vào lòng đất và nước. Với môi trường, dung môi hữu cơ có thể góp phần gây ra các hiện tượng như: mưa axit hoặc làm mất đa dạng sinh học. Việc dư thừa dung môi trong các ngành sản xuất công nghiệp, đặc biệt là trong ngành sản xuất hóa chất và dược phẩm đang là một vấn đề gây lãng phí nghiêm trọng.
Tuy nhiên dung môi lại là vật liệu không thể thiếu trong một số ngành sản xuất và việc kiểm soát, giảm tối thiểu lượng sử dụng dung môi là bài toán đặt ra cho các nhà nghiên cứu.

Báo động ô nhiễm dung môi do chưa kiểm soát, tối ưu được lượng dung môi sử dụng
Cùng với sự phát triển của nền công nghiệp, lượng dung môi sơn sử dụng cho các ngành công nghiệp như: sản xuất sơn, sản xuất mực in, sản xuất dược phẩm - mỹ phẩm, sản xuất chất tẩy rửa….cũng tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, khâu kiểm soát sử dụng và xử lý dung môi sau sản xuất chưa thực sự được chú trọng, nhiều công ty đã bị phát hiện xả thải dung môi dư thừa trực tiếp ra môi trường gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường và hệ sinh thái.

Theo thống kê có đến 5000 khu vực trên toàn thế giới đã bị ô nhiễm dung môi dưới bề mặt, điều này đặc biệt nguy hại cho sức khỏe nếu các chất ô nhiễm thấm xuống các tầng nước sâu hơn. Ô nhiễm nguồn nước gây nguy hiểm đến các hệ sinh thái dưới nước, các loài thủy sinh, cá, tôm… sống dưới nước. Ô nhiễm do chất thải chưa qua xử lý gây nên nhiều hệ lụy từ môi trường sống, sức khỏe con người và cả thiên nhiên.
Đứng trước những vấn đề nguy hại mà dung môi gây ra cho con người và môi trường, chúng ta cần có những biện pháp tái chế dung môi hiệu quả để sử dụng nguyên liệu một cách tối ưu nhất.